Có mặt ở Quảng Trị từ năm 1968 với những hoạt động trợ giúp những nạn nhân chiến tranh và sát cánh cùng phong trào chống chiến tranh ở miền nam Việt Nam, Uỷ ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) - một tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp y tế đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật theo những cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khá toàn diện và có tính bền vững cao.
Với sự hỗ trợ của Bộ Hợp tác Phát triển, các tổ chức tài trợ Hà Lan, các quỹ của Liên minh châu Âu và của nhân dân Hà Lan, đến nay, MCNV đã thực hiện hàng trăm chương trình dự án tại 14 địa phương, tỉnh thành tại Việt Nam, từ các hỗ trợ thuốc điều trị bệnh trong thời kỳ chiến tranh; dự án dành cho người khuyết tật sau chiến tranh; chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; phòng chống các dịch bệnh; đến dự án đào tạo cán bộ y tế cộng đồng và các chương trình, hoạt động hỗ trợ người khuyết tật (NKT) .
Từ những định hướng và cách tiếp cận riêng biệt...
TS. Pamela Wright, Trưởng đại diện MCNV, người đã thường xuyên có mặt tại Việt Nam từ năm 1981 cho biết, ngay từ đầu những năm 1990, hoạt động hỗ trợ người khuyết tật được MCNV thực hiện thông qua chương trình Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý trong đó hỗ trợ NKT là một hợp phần. Sau đó hỗ trợ của MCNV đối với vấn đề khuyết tật được phát triển thêm với Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và giáo dục cho người khuyết tật. Đây là chương trình được xây dựng trên quan điểm tiếp cận toàn diện để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người khuyết tật với đối tượng chính là người khuyết tật nói chung và trọng tâm là trẻ em khuyết tật. Chương trình được thiết kế trên cơ sở bốn nội dung hỗ trợ chính, đó là phục hồi chức năng y học – chăm sóc sức khỏe; giáo dục; tăng thu nhập cho NKT và gia đình; nâng cao vị thế của NKT. Bên cạnh việc đem lại những hưởng lợi trực tiếp cho NKT, chương trình cũng dành trọng tâm đến việc cải thiện, nâng cao năng lực của các tổ chức, ban ngành làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật bao gồm lao động, thương binh và xã hội; y tế; giáo dục; dân số - kế hoạch hóa gia đình, hội phụ nữ v.v.v. Mục tiêu cuối cùng của chương trình là đảm bảo để người khuyết tật được hỗ trợ toàn diện để phát triển đầy đủ tiềm năng và tạo điều kiện tối đa để đưa họ hoà nhập cộng đồng dựa trên 3 "trụ cột" chính là xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh, cải thiện sức khoẻ và xây dựng năng lực cho các cơ sở hiện có. Nguyên tắc hoạt động và các dịch vụ trong các chương trình, dự án của MCNV là dựa vào hệ thống tổ chức cung cấp dịch vụ có sẵn của các ban ngành (đối tác), tăng cường sự tham gia của các bên liên quan và huy động nguồn lực thêm từ cộng đồng. Các can thiệp trong khuôn khổ chương trình đều hướng tới sự thay đổi hai chiều: sự cải thiện trong chất lượng dịch vụ của bên cung cấp dịch vụ (các ban ngành, tổ chức) và sự thay đổi về năng lực của NKT trong việc đề xuất nhu cầu và chủ động tìm kiếm các dịch vụ trợ giúp từ các ban ngành, tổ chức liên quan. Hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi chung cho việc thực hiện các hỗ trợ cho NKT là các nỗ lực tăng cường nhận thức của toàn cộng đồng về khuyết tật nhằm tạo ra những thay đổi tích cực nhằm xoá đi những rào cản xã hội, giúp NKT hòa nhập hơn tại cộng đồng.
...Đến hoạt động cụ thể và những kết quả
Với những quan điểm và tinh thần nói trên, từ năm 1993, MCNV bắt đầu hỗ trợ người khuyết tật tại Quảng Trị, đến năm 1998 tại Đăk Lăk, rồi năm 2002 tại Cao Bằng rồi đến năm 2003 tại Phú Yên bằng dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng . Đến năm 2004, cùng với hỗ trợ tại các địa phương , chương trình đã được kết nối với sự hỗ trợ cho người khuyết tật ngày càng ở cấp độ cao hơn. Ở cấp quốc gia, sự hỗ trợ của MCNV tập trung vào phát triển năng lực ở các tổ chức đối tác, như Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.. nhằm tăng cường khả năng của cơ quan quản lý và kỹ thuật để các bộ có thể quản lý, điều phối thực hiện hỗ trợ người khuyết tật ở cấp độ thấp hơn. Một trong những thành công đáng kế của sự hợp tác ở mức độ quốc gia, đó là MCNV đã hỗ trợ Bộ Y tế hoàn thành bộ tài liệu về tập huấn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng dành cho các đối tượng khác nhau: cán bộ quản lý và xây dựng kế hoạch, tập huấn viên, nhân viên phục hồi chức năng cộng đồng, và NKT cùng gia đình họ.
Tại các tỉnh, MCNV đã và đang cùng các đối tác của mình tiến hành hỗ trợ một cách toàn diện cho người khuyết tật ở ba mặt là phục hồi chức năng y tế, tiếp cận giáo dục, cho vay các khoản tín dụng nhỏ. Chương trình cũng tập trung hỗ trợ các khoá huấn luyện, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật về phục hồi chức năng nói chung và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng nói riêng cho đội ngũ nhân viên y tế và các bên có liên quan ở các cấp trong mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Cùng với việc xác định đối tượng chung, chương trình còn dành sự chú ý đặc biệt đến đối tượng trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi. Phát hiện sớm, can thiệp sớm trở thành hoạt động trọng tâm của chương trình trong giai đoạn 2008-2010 nhằm đảm bảo trẻ khuyết tật có được sư hỗ trợ đầy đủ ngay từ giai đoạn đầu của khuyết tật, qua đó nâng cao hơn chất lượng các dịch vụ chăm sóc. Các hoạt động phát hiện sớm can thiệp sớm tại các tỉnh Dự án của MCNV được thực hiện với sự gắn kết và hợp tác chặt chẽ của hai ban ngành chủ chốt là Y tế và Giáo dục.
Để tăng cường sự tham gia chủ động và tích cực của NKT trong suốt các giai đoạn can thiệp của chương trình, MCNV và đối tác đã dày công và nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao vị thế của NKT thông qua việc hỗ trợ phát triển tổ chức của người khuyết tật hoặc liên kết với bố mẹ trẻ em bị khuyết tật lại sinh hoạt trong Hội cha mẹ trẻ khuyết tật . Điều này được thực hiện đồng thời với sự nâng cao quyền được tham gia của trẻ em trong các hoạt động cộng đồng. Ngoài ra, chương trình cũng luôn ủng hộ và nâng cao nhận thức đúng đắn của cộng đồng về người khuyết tật và khả năng của họ, đồng thời, mở ra cơ hội và hỗ trợ họ tiếp cận với những dịch vụ như đào tạo nghề, và việc làm tại chỗ, tạo điều kiện khuyến khích người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao thành tích cao hay phát huy năng khiếu văn hoá, nghệ thuật.
Để giúp người khuyết tật và gia đình họ có thể tự vươn lên trong cuộc sống, tự lực về kinh tế, chương trình đưa ra các khoản tín dụng nhỏ dựa trên những kế hoạch được đánh giá có tính khả thi, năng lực và thời hạn quản lý vốn vay của các đối tượng. Nhiều khoá tập huấn về kỹ năng nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động tạo ra thu nhập thu hút sự quan tâm của nhiều người....
Sau 11 năm hoạt động, Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và giáo dục cho người khuyết tật đã giúp mạng lưới hỗ trợ người khuyết tật được phát triển sâu rộng xuống cộng đồng, từ đó những người khuyết tật có điều kiện tiếp cận một cách dễ dàng để nhận sự hỗ trợ cần thiết. Hiện nay, người khuyết tật và các tổ chức khuyết tật đã trở nên năng động hơn trong việc tiếp cận những hỗ trợ mà họ được hưởng, đặc biệt là nhận thức và thái độ của cộng đồng với người khuyết tật đã tích cực hơn.
. Kết quả của những nỗ lực trên được phản ánh phần nào qua một vài số liệu báo cáo từ chương trình. Tại cấp tỉnh, chương trình đã giúp cho 387/ 453 người khuyết tật, trong đó có 45% được cải thiện vị trí và nâng cao chất lượng sống; 30% người khuyết tật và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ công cộng ở cộng đồng như thể thao, văn hoá văn nghệ, và tham nhiều hoạt động khác. Cùng với đó, đã có 14 tổ chức và 24 hiệp hội của người khuyết tật được hỗ trợ hình thành và đi vào hoạt động. Ngoài ra còn có 445/523 người khuyết tật nhận được những khoản vay tín dụng ưu đãi. Đã có 265 trường học tham gia dạy chương trình cho người khuyết tật và đang đào tạo cho 1755 học sinh là người khuyết tật.
Về những định hướng hỗ trợ người khuyết tật trong thời gian tới, TS. Pamela Wright cho biết, MCNV sẽ quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ phát triển năng lực cho những cá nhân, tổ chức đang thực hiện làm việc với và vì người khuyết tật với hướng tiếp cận “mạng lưới học tập và chia sẻ kinh nghiệm” (learning chain) với mục đích phổ biến và nhân rộng những kinh nghiệm quý báu đã đúc rút từ thực tế của Chương trình trong hơn 10 năm qua
Được biết, với những những đóng góp trong 41 năm hoạt động tại Việt Nam, Uỷ ban Y tế Hà Lan- Việt Nam đã được Nhà nước 3 lần tặng thưởng Huân chương Hữu nghị vào các năm 1978, 1993 và 2003. Đây cũng là thành tích mà hiếm có tổ chức phi Chính phủ nào hoạt động tại Việt Nam có được./.