Trong các ngày từ 16-18/10/2009, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hội thảo về Tăng cường truyền thông vận động phát triển nghề công tác xã hội đã diễn ra dưới sự phối hợp của Tạp chí Lao động và Xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội và Unicef Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan đến lĩnh vực công tác xã hội trong và ngoài ngành, các chuyên gia truyền thông, chuyên gia về công tác xã hội và các phóng viên, nhà báo đến từ hơn 20 cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và một số địa phương phía Bắc.
Mục đích và ý nghĩa của hội thảo là nhằm tăng cường nhận thức của các phóng viên, biên tập viên, cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương cũng như nhận thức xã hội về kiến thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam; Thu thập thông tin, đánh giá của các chuyên gia, các nhà báo và cán bộ quản lý báo chí về thực trạng công tác thông tin, truyền thông trong lĩnh vực công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay và định hướng tuyên truyền về lĩnh vực này trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết: Hội thảo Tăng cường Truyền thông vận động phát triển nghề công tác xã hội là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef Việt Nam) năm 2009. Một xã hội được xem là phát triển khi xã hội có được nền kinh tế tăng trưởng, môi trường chính trị ổn định và một nền an sinh xã hội vững chắc, trong đó mọi đối tượng yếu thế đều có cơ hội bình đẳng và nhận được sự quan tâm bình đẳng từ cộng đồng xã hội thong qua hệ thống dịch vụ xã hội đó là công tác xã hội chuyên nghiệp. Do vậy, việc thúc đẩy công tác thông tin các nhà báo có tâm huyết sẽ là động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy cho sự ra đời của Đề án nghề công tác xã hội.
Tham luận đề dẫn “Báo chí, truyền thông vơi sự ra đời và sự phát triển cuaqr nghề công tác xã hội chuyên nghiệp ở Việt Nam” do ông Bùi Văn Trạch – Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết: Nghề công tác xã hội trên thế giới đã có bề dày lịch sử trên 100 năm, trong đó có trên 80 nước đã xây dựng và phát triển nghề công tác xã hội một cách chuyên nghiệp. Cùng với quá trình phát triển kinh tế ở nước ta, nhiều vấn đề xã hội mới đang không ngừng xuất hiện, ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hôi, hiện nay toàn quốc có tới gần 5,5 triệu người khuyết tật, hơn 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Ngoài ra có gần 7,5 triệu người cao tuổi, trong đó nhiều người có nhu cầu được chăm sóc cả về sức khỏe và tinh thần. Để giúp đỡ những đối tượng đặc biệt này, không chỉ có người thân, các y, bác sỹ mà cần có một lực lượng những người làm công tác xã hội cũng như những tuyên truyền viên hay đội ngũ phóng viên, báo chí tham gia tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực công tác này.
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung, lĩnh vực báo chí truyền thông nói chung, các loại hình báo viết về mảng xã hội và công tác xã hội nói riêng ngày càng phát triển. Đến nay, có thể nói hầu như tất cả các loại hình báo chí, thậm chí là báo chí ở các chuyên ngành sâu, liên quan nhiều đến khoa học, kỹ thuật cũng luôn dành cho các thông tin về xã hội một vị trí quan trọng. Nhiều cơ quan báo chí còn có các chuyên trang, chuyên đề, đi sâu vào các vấn đề của công tác xã hội, đơn cử như việc mở thêm các chuyên mục dành riêng cho lĩnh vực trẻ em, cho người cao tuổi, người khuyết tật, tệ nạn xã hội như Đài Truyền hình Việt Nam, Đại Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, các tờ báo điện tử như Vietnamnet, Vnexpress…Không chỉ có vậy, nhiều tờ báo có uy tín như Công an Nhân dân, Lao động, Thanh niên còn trực tiếp hoặc vận động tham gia các hoạt động trợ giúp các đối tượng yếu thế thông qua các Quỹ Tình thương, Quỹ Tấm lòng vàng (Báo Lao động)…Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động công tác xã hội tình nguyện mà còn chính là thực hiện công tác truyền thông, nâng cao nhận thức đối với cộng đồng xã hội.
Trong các báo viết, các tác phẩm về đề tài xã hội, công tác xã hội cũng ngày càng được quan tâm hơn, thậm chí đóng vai trò chủ đạo, vì vậy, nhiều tác phẩm ở mảng đề tài nhân đạo, trợ giúp xã hội đã toát lên tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ và lòng yêu thương tha thiết của nhiều tác giả, của cộng đồng đối với những người đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Báo chí cũng đã thẳng thắn đề cập trực diện những vấn đề gai góc, nhức nhối hiện nay của xã hội như: Bạo hành gia đình, ngược đãi trẻ em, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tình hình tan nạn lao động, tai nạn giao thông, đời sống và sự vươn lên của người khuyết tật, của những người thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay những người nghèo; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội…
Trong bối cảnh thông tin điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, gần đây cũng đã xuất hiện một số trang thông tin điện tử chuyên bàn về công tác xã hội. Tuy nhiên, đây là những trang web được xây dựng và hoạt động bởi các tổ chức, cơ quan không phải là cơ quan báo chí, chủ yếu là của cơ quan nghiên cứu, tổ chức hội, đoàn thể, các trường hoặc thậm chí là một nhóm sinh viên chuyên ngành công tác xã hội. Do vậy, mặc dù tham gia vào hoạt động truyền thông vận động cho sự ra đời của nghề công tác xã hội, song tính chuyên nghiệp về truyền thông, báo chí lại chưa cao, nặng về nghiệp vụ.
Đặc biệt có một thực tế phổ biến là có khá nhiều bài viết phản ánh, nêu gương hay chia sẻ với những nghề nghiệp nguy hiểm hay những sự kiện và con người có số phận cụ thể nhưng rất hiếm khi đề cập đến những người làm nghề công tác xã hội. Một phần vì chưa có định hình về nghề này, phần vì những người làm nghề công tác xã hội mới chỉ được coi là một việc làm tay trái hoặc việc làm “vác tù và hàng tổng”, phần vì đối với nhà báo, nghề công tác xã hội vẫn còn là một lĩnh vực tiếp cận mới mẻ và chưa là những vấn đề “hot” mang lại một phần lợi ích cho tờ báo khi đăng tải.
Có thể nói, thời gian qua, sự vào cuộc của cơ quan truyền thông trong đó có cơ quan báo chí đối với vận động hành lang, tuyên truyền về nghề công tác xã hội chưa nhiều. Mặc dù, các cơ quan báo chí nội bộ (thuộc bộ, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội) thì quan tâm nhiều hơn, chỉ đạo và thực hiện sâu sát hơn, song tầm ảnh hưởng của các cơ quan báo chí này đối với xã hội chưa rộng hơn.
Để tăng cường truyền thông và vận động phát triển nghề công tác xã hội trong thời gian tới, tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia và các phóng viên đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất như sau:
- Để nghề công tác xã hội là một nghề được toàn xã hội đón nhận cần cả một quá trình, bắt đầu từ việc tác động, thay đổi nhận thức trong toàn xã hội và như vậy không có cách nào tốt hơn là các cơ quan truyền thông báo chí cần phải vào cuộc mạnh mẽ.
- Các cơ quan chủ quản, quản lý (Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam) cần có sự quan tâm, ủng hộ việc tuyên truyền đối với lĩnh vực chính sách xã hội nói chung và nghề công tác xã hội nói riêng.
- Lãnh đạo của mỗi cơ quan thông tin, báo chí trong phạm vi, tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ của mình cần quan tâm hơn nữa tới mảng công tác xã hội và đặc biệt là vấn đề phát triển nghề công tác xã hội hiện nay. Có kế hoạch, chỉ đạo phóng viên, biên tập viên chuyên theo dõi mảng này, có chế độ đãi ngộ xứng đáng và xử lý nhanh chóng những vấn đề bất lợi, cản trở đến sự phát triển của công tác xã hội và nghề công tác xã hội.
- Trên cơ sở xác định thông tin, truyền thông về lĩnh vực công tác xã hội là một nguồn vốn xã hội, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động thông tin, truyền thông về lĩnh vực này theo hướng kết nối với hoạt động thông tin, truyền thông về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, đối ngoại, văn hóa nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm góp phần làm cho công tác xã hội nằm ngay trong các hoạt động kinh tế, sản phẩm kinh tế và nghề công tác xã hội ngày một chuyên nghiệp hơn.
- Thường xuyên mời phóng viên báo chí tham dự các cuộc hội thảo, qua đó vừa cung cấp được kiến thức và chuyên sâu cho họ hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan đến chính sách xã hội và những hoạt động công tác xã hội vừa là dịp để các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về lĩnh vực này cũng như về nghề công tác xã hội. Đồng thời, tổ chức các đoàn phóng viên tham gia công tác thực tế tại một ố cơ sở, địa phương.
- Bản thân các phóng viên, biên tập viên chuyên về công tác xã hội phải thường xuyên trau dồi kiến thức lĩnh vực này.
- Các cơ quan báo chí cần mở rộng đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên và công chúng nói chung để thu nhận tin, bài, ảnh từ họ và chính họ là cánh tay phải nối dài cho tòa soạn.
- Thường xuyên tổng kết những cách làm hay, năng động, sáng tạo, hiệu quả của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền thực hiện chính sách xã hội. Làm tốt thi đua khen thưởng, tạo cú huých cho sự đổi mới và sáng tạo hơn nữa của các cơ quan báo chí, của những người làm báo trên lĩnh vực tuyên truyền thực hiện chính sách xã hội, công tác xã hội ./.
Tạp chí LĐXH